Vì sao Việt Nam bất ngờ vượt cả Nga, tiến sát top 5 cường quốc đóng tàu thế giới?

Vì sao Việt Nam bất ngờ vượt cả Nga, tiến sát top 5 cường quốc đóng tàu thế giới?

14:33 24.07.2023

Những con tàu do Tổng công ty Sông Thu đóng mới chờ bàn giao  - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.07.2023

© Ảnh : NGÔ QUANG

 

GS. Carl Thayer tin tưởng, Việt Nam có thể tiến vào top 5 cường quốc đóng tàu thế giới đồng thời có lợi thế vượt cả Nga và Pháp.

Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales (Australia) nêu 3 lý do chính giúp Việt Nam đạt điểm cao hơn Pháp và Nga trong bảng xếp hạng của Insider Monkey.

Trong khi vị thế ngành đóng tàu nội địa được củng cố, nhu cầu tuyển dụng công nhân đóng tàu Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng tăng. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có số lượng công nhân đóng tàu lành nghề và giàu kinh nghiệm nhất trong ASEAN.

Thứ hạng bất ngờ của Việt Nam

Mới đây, như Sputnik đưa tin, website tài chính Insider Monkey (Mỹ) công bố danh sách top 15 cường quốc đóng tàu thế giới.

Bảng xếp hạng được dựa trên dữ liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong đó liệt kê tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng (so với toàn cầu) trong năm 2021 của các quốc gia.

Việt Nam gây bất ngờ khi đứng ở vị trí thứ 7, với tỷ lệ phần trăm số tàu đã đóng vào năm 2021 là 0,61%, vượt qua cả những ông lớn vững chắc khác trong ngành đóng tàu thế giới như Nga (0,22%đang ở vị trí số 12) hay Pháp (0,29% - vị trí số 10), Phần Lan (0,36% - đứng thứ 8), Đài Loan (0,30% đứng thứ 9), Ấn Độ (0,12% - đứng hạng 15), Na Uy (0,24% - xếp hạng thứ 11), Thổ Nhĩ Kỳ (0,22% - vị trí thứ 13)…

 

Đánh giá về Việt Nam, Insider Monkey lưu ý: “Tỷ lệ tàu được đóng vào năm 2021 chiếm 0,61% toàn cầu. Quốc gia châu Á này sở hữu hơn một trăm cảng và gần hai chục nhà máy đóng tàu”.

 

Vượt trênViệt Nam trên bảng xếp hạng là Đức (0,63%), Italia (0,82%), Philippines (1,06%), Nhật Bản (17,6%), Hàn Quốc (32,4%) và đứng đầu là Trung Quốc (44,2%).

Vì sao thứ hạng của Việt Nam vượt cả Nga và Pháp?

Như Sputnik đã đưa tin, đầu tháng 7, Triển lãm thiết bị máy móc hàng hải và đóng tàu Việt Nam (VIMOX 2023) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện này, các chuyên gia, đại biểu tham dự đến từ nhiều nước đặc biệt đánh giá cao vị thế của ngành hàng hải Việt Nam cũng như tiềm năng to lớn của ngành đóng tàu.

Tổng giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media Kenny Yong nhận xét, ngành đóng tàu Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường.

 

“Với đường bờ biển dài, lực lượng lao động lành nghề, địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu những lợi thế độc nhất các cơ hội ngành hàng hải mang lại. Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia, tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn”, - chuyên gia lưu ý.

 

TS. Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy cho biết, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam ngày càng mở rộng, cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương từ Nam tới Bắc. Việt Nam có khoảng gần 120 các cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hàng năm tăng gấp mười lần so với những năm 90.

Đánh giá về kết quả xếp hạng mà Insider Monkey công bố hồi tháng 4, GS Carl Thayer từ trường Đại học New South Wales (Úc) bày tỏ với Doanh nghiệp và Kinh doanh cho biết, ông ấn tượng với vị trí mà ngành đóng tàu của Việt Nam đã đạt được.

Theo báo cáo phân tích tình hình thị trường ngành đóng tàu Nga của chuyên gia Mariya Nesnova đến từ Đại học kỹ thuật hàng hải quốc gia Saint-Petersburg (Nga), vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu tàu thuyền hiện chưa phát huy hết tiềm năng. Nguyên nhân là do số lượng tàu cung cấp đến từ các nhà máy đóng tàu châu Á quá lớn. Tiếp đó là vấn đề về công nghệ khi Nga có độ trễ trong thời gian đóng tàu và tính toán chi phí cao.

Về Pháp, Global Security cho rằng, mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực đóng tàu nhưng Pháp cũng đang gặp những khó khăn nhất định để duy trì tính cạnh tranh. Điều đáng nói là hiện nay, số lượng các nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới đang tập trung ở châu Á nhiều hơn hẳn châu Âu, khác với trước kia.

 

Có những lý do chính đáng để Việt Nam đạt tới thành công như vậy.

Đầu tiên,chính phủ Việt Nam đang chú trọng và ưu tiên phát triển kinh tế biển.

Thứ hai, ngành đóng tàu Việt Nam được thừa hưởng nhiều lợi ích từ việc chuyển giao vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ từ các công ty đóng tàu hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như Hà Lan và Pháp.

Theo ông Thayer, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) đã thành lập liên doanh và chấp nhận các khoản đầu tư từ nhiều doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới, trong đó có tập đoàn HD Hyundai Korea Shipbuilding & Offshore Engineering (Hàn Quốc) và công ty con của doanh nghiệp này là Hyundai Mipo Dockyard; tập đoàn Damen (Hà Lan). Ngoài ra các tập đoàn Vard (Na Uy) và Piriou (Pháp) đều có nhà máy tại các tỉnh Vũng Tàu và Long An của Việt Nam.

Các công ty Việt Nam liên doanh với nước ngoài đã sản xuất được những con tàu đáp ứng được cả yêu cầu chất lượng của nước sở tại, cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.

 

“Chủng loại tàu do Việt Nam sản xuất rất đa dạng, bao gồm tàu buôn, tàu chở dầu và hóa chất, tàu hỗ trợ ngoài khơi, tàu dịch vụ điện gió và tàu đánh cá để xuất khẩu sang châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi”, - chuyên gia nhấn mạnh.

 

Thứ ba, Việt Nam có những ưu thế tự nhiên, như bờ biển dài hơn 3.200km tiếp giáp với các tuyến vận tải biển đông đúc và nhộn nhịp thứ hai thế giới. Số lượng cảng biển và nhà máy đóng tàu của Việt Nam hiện nay đồng thời là một lợi thế rất lớn.

Cùng với đó,Việt Nam còn có các trường đại học và cao đẳng chuyên đào tạo, cung cấp các chứng chỉ hàng hải, từ đó cho ra đời một lực lượng lao động tốt với cơ cấu tiền lương cạnh tranh.

Việt Nam tiến gần top 5 cường quốc đóng tàu thế giới

Trên bảng xếp hạng, hiện Philippines đang là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu trên thế giới, nắm vị trí thứ 4.

Tuy nhiên, Giáo sư Thayer nhấn mạnh: “Khoảng cách giữa Việt Nam và Philippines sẽ ngày càng thu hẹp. Việt Nam cũng đang được dự đoán có thể vươn lên vị trí thứ 5 hoặc thứ 4 trong bảng xếp hạng toàn cầu”.

Quan điểm này trùng với nhiều ý kiến chuyên gia, đại diện quốc tế tại VIMOX 2023 rằng, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, có thể vươn lên vị trí thứ 5, thậm chí thứ 4 thế giới.

Trao đổi với phóng viên Sputnik trước đó, TS. Lê Xuân Hoà tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên vị trí cao hơn, nếu có được sự chuyển giao công nghệ từ những quốc gia trong khu vực và châu Âu – những quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu phát triển, bền vững như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý và nếu có sự đầu tư mạnh hơn vào trang thiết bị, công nghệ tự động hóa.

Thực tế, GS. Thayer cũng lưu ý, sự thành công của ngành đóng tàu Phillipines đã có sự hỗ trợ rất lớn từ các khoản đầu tư, cũng như chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Philippines từ lâu đã có truyền thống đóng và sửa chữa tàu, đặc biệt là tại vịnh Subic, trong thời gian quân đội Mỹ đóng quân tại nước này. Sau khi Hải quân Mỹ rút lui vào năm 1992, vịnh Subic đã được cải tạo thành cơ sở hạ tầng thương mại.

 

“Trong thời gian các bên tiến hành khảo sát để đưa ra bảng xếp hạng trên, Philippines đã đóng số tàu gần gấp đôi so với Việt Nam và sự chênh lệch này hoàn toàn có thể thay đổi trong thời gian tới”, - ông Thayer nhận xét.

 

Về phần Việt Nam, theo ông Thayer, hiện tại công ty đóng tàu Hyundai Việt Nam -liên doanh giữa Nhà máy đóng tàu Hyundai Mipo (Hàn Quốc) và SBIC Việt Nam - đã trở thành nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á.

Trước đó, Newsis thông tin cho hay, sau 15 năm chuyển sang lĩnh vực đóng mới tàu, tổng số đơn hàng lũy kế mà Công ty TNHH đóng tàu Hyundai Việt Nam (HVS) nhận được đã tăng lên 199 đơn hàng, và doanh nghiệp này đang hướng tới mục tiêu trúng thầu con tàu thứ 200. Trong năm nay, Hyundai Việt Nam có kế hoạch giao tổng cộng 13 tàu, với mục tiêu doanh thu là 543,8 triệu USD.

Để đạt thứ hạng cao hơn trong tương lai, GS. Carl Thayer khuyến nghị, Việt Nam cần thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành đóng tàu, đồng thời đào sâu và mở rộng các cơ sở công nghiệp trong nước để sản xuất nguyên vật liệu, do hầu hết các thiết bị, máy móc đóng tàu hiện nay ở Việt Nam vẫn đang được nhập khẩu.

“Nếu tốc độ đóng tàu của Huyndai nói riêng, và của ngành đóng tàu Việt Nam nói chung, vẫn duy trì được như hiện nay thì khoảng cách với Philippines sẽ ngày càng thu hẹp”, - GS. Thayer tin tưởng.

 

Hàn Quốc cần nguồn cung công nhân đóng tàu Việt Nam

Sau khi Công ty Đóng tàu Hyundai Việt Nam vào năm 1996, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhận được nhiều đơn đặt hàng đóng tàu thứ 5 trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam cũng được biết đến là nơi có số lượng công nhân đóng tàu lành nghề và giàu kinh nghiệm nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á.

Ngày 23/7, hai công ty đóng tàu Hàn Quốc Hanwha Ocean và HD Hyundai đang cần nguồn cung lao động Việt Nam trong bối cảnh ngành đang thiếu hụt lực lượng lao động kéo dài, theo TTXVN thông tin cho biết.

Theo đó, Hanwha Ocean đã ký bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Công Thương Việt Nam tại Hà Nội ngày 22/7 để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trong việc đào tạo và bố trí việc làm cho công nhân đóng tàu Việt Nam.

 

“Bản ghi nhớ mới nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của chúng tôi về người lao động qua các chương trình tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Công Thương Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác sẽ cho phép chúng tôi thiết lập kế hoạch ổn định để thuê lao động nước ngoài có tay nghề cao”, - đại diện quan chức của Hanwha Ocean chia sẻ.

 

Chủ tịch HD Hyundai Chung Ki-sun cũng đã thị sát nhà máy đóng tàu của Hyundai Việt Nam Shipbuilding tại Khánh Hòa vào tháng 6 trong chuyến thăm Việt Nam với tư cách là thành viên phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy, các công ty đóng tàu Hàn Quốc đều ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam. Bộ Tư pháp Hàn Quốc tổng hợp dữ liệu vào đầu năm 2023 nêu, công dân Việt Nam chiếm 55,1% trong số 1.595 người nước ngoài nhận thị thực E-7 trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 1/2023 cho các hoạt động cụ thể liên quan đến ngành đóng tàu tại Hàn Quốc.

Theo (sputniknews.vn)

Facbook Zalo 0339336006 Hotline 0339336006