NGHỀ ĐÓNG TÀU KHỞI SẮC MẠNH MẼ

 

NGHỀ ĐÓNG TÀU KHỞI SẮC MẠNH MẼ

 

 

Biên phòng - Trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, thì ngành đóng tàu của Việt Nam lại khởi sắc trong và sau đại dịch, từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế. Ngành đóng tàu Việt Nam đã đóng được các tàu chuyên dụng trọng tải trên 60.000 tấn và hướng tới đóng tàu 110.000 tấn. Nhiều con tàu xuất xứ tại Việt Nam đang biên chế đội tàu biển thế giới, hoạt động trên các tuyến hàng hải toàn cầu.

 

 

Ảnh: minh họa

 

Từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp đóng tàu trên cả nước đã nắm bắt tốt cơ hội và chuyển mình mạnh mẽ, ký kết hàng chục đơn hàng đóng mới tàu xuất khẩu có giá trị lớn với đối tác nước ngoài. Điển hình như 90 tàu sửa chữa, 3 tàu hóa chất 13.000 tấn đóng mới tại Công ty đóng tàu Phà Rừng; tàu hàng tổng hợp trọng tải 17.500 tấn đóng tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng; tàu chở dầu trọng tải 100.000 tấn đóng tại nhà máy đóng tàu Dung Quất...

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu khả quan báo hiệu một chu kỳ phát triển mới của thị trường đóng tàu thế giới, giúp doanh nghiệp đóng tàu của Việt Nam phát triển mạnh trở lại.

Sau hơn 10 năm ngành đóng tàu Việt Nam lâm vào suy thoái do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến nhiều nhà máy đóng tàu phải chuyển đổi sản xuất kinh doanh hoặc phá sản, đến nay ngành đóng tàu đang phục hồi, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương trong toàn quốc, với sản lượng hàng năm tăng gấp mười lần so với thập kỷ trước.

Hiện, cả nước có khoảng gần 120 các cơ sở đóng tàu, trong đó có 82 cơ sở đủ năng lực đóng các loại tàu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; 21 cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển cho tàu biển có trọng tải từ 10.000 DWT trở lên.

Theo Cục Hàng Hải, dư địa để ngành đóng tàu Việt Nam phát triển rất lớn. Bởi, đội tàu biển của Việt Nam hiện có hơn 1.600 tàu vận tải hàng hóa, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 27 trên thế giới nhưng trong tình trạng thiếu tàu trọng tải lớn, cộng với công nghệ cũ, tiêu hao nhiên liệu cao, nên gặp nhiều khó khăn trong khai thác, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và kinh doanh quốc tế.

Trên thế giới, từ năm 2021, nguồn cung tàu bị thiếu, giá cước bắt đầu tăng mạnh nên các hãng vận tải bắt đầu tăng đặt đóng mới tàu. Đến cuối năm 2022, tổng đội tàu trên thế giới là 102.900 chiếc từ 100 GT trở lên, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều chuyên gia dự báo, trước thực trạng các đội tàu biển thế giới đều có tuổi đời khá cao (21,9 tuổi), nhu cầu cần một thế hệ tàu mới sử dụng nhiên liệu sạch là bắt buộc vì qui định nghiêm ngặt của Tổ chức hàng hải quốc tế IMO. Đến năm 2026, đội tàu thương mại thế giới sẽ tăng ở mức 955 tàu/năm.

Đây chính là cơ hội phát huy hết năng lực cho ngành công nghiệp đóng tàu xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, toàn ngành đóng tàu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, thiếu nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, nguồn vật tư, thiết bị, máy móc... phải nhập khẩu hoàn toàn, nên các doanh nghiệp đóng tàu trong nước bị thụ động về giá trong đàm phán, đa phần chỉ làm công đoạn gia công nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Đề án “Nâng cao năng lực các doanh nghiệp đóng tàu trong nước” mới được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt là thay mới đội tàu biển có công nghệ hiện đại, năng lực vận tải lớn, đủ sức cạnh tranh với các chủ tàu nước ngoài. Qua đó, tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% vào năm 2026 và 20% vào năm 2030.

Thị trường đóng tàu đang dịch chuyển dần sang châu Á là cơ hội cho Việt Nam tận dụng các điều kiện sẵn có về công nghệ, tài nguyên, lao động để tham gia đóng tàu xuất khẩu, xây dựng đội tàu biển đa dạng phục vụ Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Thanh Thảo (https://www.bienphong.com.vn/)

Facbook Zalo 0339336006 Hotline 0339336006