Cơ hội lớn phát triển ngành đóng tàu Việt Nam

 

Cơ hội lớn phát triển ngành đóng tàu Việt Nam

 

Tàu chở dầu thô 104.000DWT do Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đóng mới.
Tàu chở dầu thô 104.000DWT do Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đóng mới.

 

(PLVN) - Đóng và sửa chữa tàu là một trong bốn trụ cột của ngành hàng hải Việt Nam, bên cạnh cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.

Cơ hội lớn

Tại một sự kiện về đóng tàu biển quốc tế mới đây, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hệ thống cảng biển Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cho các loại hàng hóa thông qua, trong đó có những cảng biển lớn, đủ năng lực đón nhận những tàu quốc tế lớn hàng đầu thế giới.

Cũng theo vị Thứ trưởng, đội tàu của Việt Nam đáp ứng được 100% nhu cầu vận tải nội địa và trên dưới 10% vận tải quốc tế. Mục tiêu trong tương lai, đội tàu Việt Nam sẽ dần chiếm lĩnh thị trường vận tải. Ngành dịch vụ hàng hải cũng đang phát triển, dần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của dịch vụ vận tải.

“Lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu đang trên đà phát triển, để hình thành 4 chân kiềng của ngành hàng hải, xứng đáng với yêu cầu về phát triển giao thông và truyền thống lâu đời của ngành hàng hải” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói và giải thích thêm rằng 4 chân kiềng của ngành hàng hải là cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải và đóng tàu.

Tại khu vực Hải Phòng, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phát triển dần các khu bến tại khu vực Nam Đồ Sơn. Trong kế hoạch triển khai quy hoạch, dự kiến sẽ bố trí nguồn vốn khoảng 8.000 tỷ đồng cho việc chỉnh trị cửa sông Văn Úc để mở ra các bến khởi động ở Nam Đồ Sơn.

Do đó, vị Thứ trưởng cho rằng, ngành hàng hải đang trong giai đoạn có những điều kiện phát triển, không chỉ cảng biển, vận tải biển, dịch vụ hàng hải mà ngành đóng tàu đang đứng trước những cơ hội lớn. “Các nhà máy, đơn vị đóng sửa chữa tàu cần tiếp tục có kế hoạch phát triển” - ông Sang gợi ý. Ngoài ra, vị Thứ trưởng cũng đề nghị các chủ tàu trong kế hoạch phát triển đội tàu cần lưu tâm đến các nhà máy đóng tàu của Việt Nam, để ngành đóng tàu trong nước ngày càng phát triển, đóng được những con tàu thuần Việt có trọng tải lớn hơn.

Năng lực doanh nghiệp Việt đóng tàu thế nào?

Tại một cuộc hội thảo mới đây về công nghệ đóng tàu Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VISIA) cho biết, tình trạng suy thoái của ngành đóng tàu nước ta đã dần qua đi. Hiện nay ngành đóng tàu đang phục hồi, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương trải dài từ Bắc đến Nam. Hiện cả nước có khoảng gần 120 cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hàng năm tăng gấp mười lần so với thập kỷ trước.

Các cơ sở thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị phục vụ cho ngành cũng phát triển về số lượng đảm nhiệm thiết kế được những sản phẩm có tính năng chuyên dụng và hàm lượng về khoa học công nghệ cao. Cung ứng thiết bị vật tư với các chủng loại đa dạng đáp ứng đầy đủ cho các cơ sở đóng và sửa chữa tàu.

Theo ông Phạm Bình Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật đóng tàu Việt Nam (VISEC), tổng số đội tàu biển của Việt Nam hiện có hơn 1.600 tàu vận tải hàng hóa, với tổng trọng tải khoảng 12 - 13 triệu DWT. Từ năm 2020 đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 thì ngành đóng tàu của Việt Nam lại khởi sắc trong và sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội và chuyển mình mạnh mẽ, đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế. Ngành đóng tàu Việt Nam đã đóng được các tàu chuyên dụng, tàu có sức chở lớn đến 50 - 60 nghìn tấn và hướng tới đóng tàu 110 nghìn tấn.

Theo các chuyên gia, ngoài những cơ hội lớn thì ngành đóng tàu Việt Nam cũng gặp không ít thách thức. Cụ thể, do thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2023 suy giảm, nên các chủ tàu Việt Nam không dám đầu tư đóng mới nhiều tàu. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu đang đối mặt khó khăn về tài chính do các khoản nợ đầu tư lớn tại các ngân hàng chưa được tái cơ cấu; việc vay vốn ngân hàng để sản xuất không dễ dàng…

Theo (https://baophapluat.vn/)

Facbook Zalo 0339336006 Hotline 0339336006